Sunday, February 14, 2010

Nên thi vào Mồng Một Tết

Năm 1973, kỳ thi học kỳ 1 của chúng tôi (lưu học sinh Việt Nam tại Liên xô) tổ chức vào tháng hai năm 1973, trùng với dịp Tết nguyên đán. Đêm giao thừa năm đó, sinh viên Khoa Toán của trường Đại học Tổng hợp Quốc gia Taskent (Liên Xô) tổ chức liên hoan văn nghệ rất vui để mừng ngày ký Hiệp định chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam (27/01/1973). Chúng tôi vô tư hát, nhảy và uống rượu, không hề nghĩ tới kỳ thi Lịch sử Đảng Cộng sản Liên Xô sẽ phải trả vào ngày hôm sau.

Mười giờ sáng hôm sau (là mồng một Tết Âm lịch), tôi tỉnh dậy với một cái đầu nặng như quả tạ, không thể hiểu tại sao mình lại ngủ dưới sàn nhà. Sau khi vào nhà tắm với sự giúp đỡ dòng nước lạnh tôi mới sực tỉnh là theo đúng lịch thi học kỳ I tôi cần phải đi trả thi môn Lịch sử Đảng Cộng sản Liên Xô. Nhìn quanh thấy Ký túc xá vắng tanh. Đoán chắc các bạn cùng phòng đẫ dậy và đi thi hết. Sau này tôi mới biết là các bạn cùng phòng đã rất cố gắng gọi tôi dậy đi thi nhưng tôi quá say nên không đã dậy nổi. Không kịp ăn uống gì, tôi lao tới trường và chạy khắp nơi tìm phòng thi. Rất may là ở Liên Xô thời đó sinh viên đại học đều tham dự kỳ thi vấn đáp, nên sinh viên có thể tới phòng thi bất kỳ giờ nào một ngày thi, từ sáng tới chiều. Tôi bước vào phòng thi với bộ dạng liều mạng của người còn chưa tỉnh rượu, bắt đại một phiếu thi và quay về chỗ để chuẩn bị trả lời. Tôi không nhớ mình đã phải chuẩn bị câu hỏi gì, nhưng chỉ nhớ mình đã rất tự tin (chắc mem rượu vẫn đang còn tác dụng) trả lời các câu hỏi thi. Việc khó khăn nhất của tôi lúc đó là làm sao mà hơi rượu không phả ra trong khi trả lời câu hỏi thi. Giáo sư hỏi thi môn Lịch sử Đảng Cộng sản Liên xô lần đó là Giáo sư KIM -người Nga gốc Triều tiên đã rất kiên nhẫn lắng nghe tôi lần lượt trả lời các câu hỏi theo phiếu thi. Khi tôi vừa chấm dứt trả lời, Giáo sư Kim có nói đại ý là hôm nay là ngày tết của người Việt Nam và cũng là tết của người Triều Tiên nên giáo sư chỉ yêu cầu tôi trả lời thêm một câu hỏi phụ để cho điểm GIỎI. Tôi giật mình khi biết câu hỏi phụ của giáo sư Kim đưa ra là ngày ký Hiệp định Pari chấm dứt chiến tranh Việt nam. Là một lưu học sinh Việt nam đi theo diện Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam, lẽ ra tôi phải nhớ chính xác ngày đã ký Hiệp định Paris, ngày mà Mỹ buộc phải ngừng cuộc chiến tranh xâm lược tại Miền nam Việt nam, nơi mà người thân của tôi, nhiều bạn bè cùng lứa tôi đang chiến đấu. Tôi tái mặt vì quả thật lời giải của câu hỏi đó không nằm trong cái đầu đang âm ỉ đau vì rượu của tôi. Tôi chỉ nhớ mang máng và quyết định trả lời đại một ngày nào đó trong tháng Giêng 1973. Giáo sư Kim gật đầu có vẻ hài lòng và ghi vào sổ thi của tôi điểm GIỎI. Tôi sung sướng bước ra khỏi phòng (chắc giống với vẻ mặt đắc thắng của Chí Phèo sau khi đòi được nợ) và quyết định chờ LQT- một bạn cùng lớp với tôi- vào trả thi. Khi LQT. ra khỏi phòng thi tôi thấy vẻ mặt băn khoăn của LQT. bèn hỏi "điểm thi không tốt lắm à?".

- Không, được điểm GIỎI.

LQT trả lời, nhưng với vẻ băn khoăn LQT nói tiếp "Ông giáo sư có hỏi mình về ngày ký Hiệp định Paris chấm dứt chiến tranh tại Việt nam vừa rồi, mình trả lời xong thì nhận được điểm GIỎI. Mình băn khoăn vì thấy ông giáo sư lầm bẩm "tại sao cậu sinh viên Việt Nam vừa ra trả lời một ngày mà cậu sinh viên Việt nam này lại trả lời một ngày khác nhỉ". Quả thật lúc đó tôi và T. đều không biết chính xác ngày nào là ngày ký Hiệp định Paris, và chắc chúng tôi được điểm GIỎI môn Lịch sử Đảng Cộng sản Liên Xô do đã đi thi đúng Mồng Một Tết Âm lịch. Sau này, cả tôi và LQT đều công tác trong các trường đại học lớn, và rất may các kỳ thi học kỳ của nước ta đều tránh ngày Tết chứ không thì chúng tôi đều cho sinh viên điểm giỏi hết.

Tết Con Cọp đã tới, tôi chúc các bạn sinh viên luôn khỏe - vui, và nếu cần phải đi thi môn nào đó thì nên chọn ngày Mồng một Tết.

Tản mạn về Kachiusa - bài hát Nga nổi tiếng một thời


Chắc chắn là tất cả chúng ta đã từng nghe, từng hát và yêu thích bài hát Kachiusa qua cả lời Việt và lời Nga. Vào khoảng năm 1968 lần đầu tiên tôi được nghe bài hát này do một sinh viên hát khi tạm biệt trường đại học để ra chiến trường với lời Việt:


Đào vừa ra hoa, cành theo gió đưa vườn trăng tà
Ngoài dòng sông màn sương trắng buông lững lờ
Từ bến sông thoáng bóng ai in trên màn sương mờ
Cất cao lời ca làm rung cỏ cây ven bờ
........


Lúc đó ý tứ và ca từ của bài hát thì tôi chưa hiểu lắm, nhưng sự du dương của các nốt nhạc bài hát làm cậu học sinh lớp tám như tôi nhớ mãi. Đến bây giờ tôi vẫn tin rằng trong sổ tay của các thanh niên ra mặt trận thời kỳ chống Mỹ luôn có một trang chép bài hát Kachiusa, như lời nhắn nhủ, động viên người thân yêu hãy vững lòng chiến đấu vì quê hương và ước mơ hi vọng vào ngày mai tươi sáng.


Lâu lắm rồi, tôi đã qua thời trai trẻ, đã trải qua nhiều biến cố trong cuộc đời, nhưng âm hưởng và giai điệu của bài hát Kachuisa vẫn luôn mãi trong tôi. Gần đây, qua nuocnga.net, một trang website của những người Việt đã và đang sống tại nước Nga, tôi mới được nghe lại bài hát Kachiusa do nghệ sỹ người Nga hát. Thói quen tò mò của người làm toán đã buộc tôi tìm hiểu xem sự liên quan giữa bài hát Kachiusa trữ tình và hỏa tiễn Kachiusa nổi tiếng thế nào.


Kachuisa là tên gọi một cách thân mật dành cho những cô gái trẻ mang tên Katherine. Theo truyền thống văn hóa Slavơ người Nga thường gọi người thân, bạn bè thân thiết bằng những tên một cách trìu mến như Tania thay cho Tatyana, Natasha thay cho Natalia, hay Kolia là tên gọi một cách trìu mến của Nicolai hoặc Pavka là tên thân mật của Paven ... Thậm chí qua tờ nuocnga.net tôi còn được biết Vоdkа (tên một loại ruợu nổi tiếng của Nga) là cách gọi biến thể (một cách trìu mến) từ từ Vоdа (tiếng Nga nghĩa là nước). Chắc trên thế giới chỉ có người Nga gọi thứ rượu nổi tiếng của mình một cách đặc biệt như thế.

Bài hát Kachiusa được sáng tác năm 1938, trong thời kỳ mà nhân dân Xô Viết đang tích cực chuẩn bị đối mặt với một cuộc chiến tranh tới từ nước Đức phát xít của Hitle. Bài Kachiusa hát về một cô gái bên bờ sông Ugra đợi chờ người yêu- một người lính nơi biên thùy xa xôi. Lời bài hát được nhà thơ Mikhail Isakovsky viết và được nhạc sỹ Matvei Blanter phổ nhạc. Bài Kachuisa đã nhanh chóng phổ biến khắp đất nước Xô viết. Lần đầu tiên bài hát “Kachiusa” được nữ ca sĩ người Nga Valentina Batisheva trình diễn trên sân khấu với dàn nhạc do nhạc trưởng Viktor Krushavitsky chỉ huy. Và công chúng đã đón chào bài hát mới ra mắt một cách nồng nhiệt đến nỗi nữ ca sĩ Valentina Batisheva đã phải hát lại bài Kachuisa tới 3 lần.

Bài hát “Kachiusa” đã được trình diễn trong các làng quê xa xôi cũng như tại các thành phố lớn của Liên bang Xô viết, tại các cuộc mít tinh cũng như tại các lễ hội dân gian, hoặc đơn giản trong các buổi sinh hoạt gia đình, hay bên bàn ăn của các ngày lễ. Ca từ và nốt nhạc đã giúp bài hát Kachiusa đã trở nên nổi tiếng, thân thuộc và gần gũi đối với hàng triệu triệu người dân Xô Viết ngay từ khi mới xuất hiện.

Trong chiến tranh Vệ quốc vĩ đại của nhân dân Xô Viết (1941-1945) Kachiusa đã trở thành một bài hát có tính tích cực trong việc động viên hàng triệu chiến sỹ đang chiến đấu ngoài mặt trận. Kachiusa đã trở thành một ca khúc nổi tiếng nhất của những năm tháng khó khăn của cuộc chiến tranh Vệ quốc vĩ đại của nhân dân Xô Viết. Những người lính Hồng quân đã hát vang bài hát Kachiusa dưới chiến hào giữa những đợt pháo của quân Đức. Cùng bài hát Kachiusa những người lính Xô Viết đã lao vào cuộc chiến đấu một mất một còn với những kẻ phát xít xâm lược. Cũng như số phận của nhiều bài hát nổi tiếng, trong thời kỳ chiến tranh vệ quốc vĩ đại của nhân dân Xô Viết đã xuất hiện rất nhiều dị bản của bài hát Kachiusa. Sau chiến tranh các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Xô viết đã sưu tầm được trên 100 dị bản của bài hát này.

Có một huyền thoại cảm động liên quan tới bài hát Kachiusa trong thời kỳ chiến tranh vệ quốc của người dân Xô Viết. Đó là một câu chuyện về một cô thôn nữ Kachuisa đã đi tìm người yêu trên khắp các mặt trận, với một hành trình vô cùng gian nan nguy hiểm và tình yêu chung thuỷ của cô gái đã làm rung động tấm lòng của rất nhiều người lính Hồng quân. Sự thủy chung của cô gái đã làm những người lính Hồng quân ngoài mặt trận rất tự hào và yên tâm vì sự chờ đợi của hậu phương. Kachiusa đã sống mãi trong lòng mọi người và qua mọi thời gian như vậy đó.

Trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Quốc xã và bọn Phát xít (1943 - 1945), du kích quân người Italy Felice Cascione (1918 - 1944) đã viết lời tiếng Ý cho bài hát tiếng Nga Kachiusa với tên gọi Fischia il vento ("Gió thổi") và coi nó như bài hát truyền thống của phong trào du kích Italy. Du kích quân và người dân Italy đã hát vang bài hát Kachiusa bằng tiếng Italy trong ngày giải phóng thành Roma khỏi chế độ độc tài phát-xít Mutxolini. Kachiusa với ca từ tiếng Italy cùng với Bella ciaoLa Brigata Garibaldi trở thành một trong những bài hát cổ động nổi tiếng nhất của du kích Italy trong chiến tranh giải phóng đất nước.

Bài hát Kachiusa quen thuộc mà chúng ta yêu mến đã đến Việt Nam từ năm 1955, do ca sỹ Nguyễn Anh Cường-thành viên của đoàn nghệ thuật quốc gia đi dự Đại hội liên hoan thanh niên và sinh viên thế giới lần 5 ở Warsava (Ba Lan)- dịch từ tiếng Pháp ra lời Việt với cái tên "Caterina gửi người chiến sĩ biên thùy". Những năm sau đó, trong các chương trình ca nhạc của Đài Tiếng nói Việt Nam, bài hát này đã được phát nhiều lần.

Dưới đây là nguyên bản tiếng Nga bài hát Kachiusa và các bản dịch tiếng Việt.

Катюша

Thơ: Mikhail Vasilievich Isakovsky
Nhạc: Matvei Blanter

Расцветали яблони и груши,
Поплыли туманы над рекой.
Выходила на берег Катюша,
На высокий берег на крутой.

Выходила, песню заводила
Про степного, сизого орла,
Про того, которого любила,
Про того, чьи письма берегла.

Он ты, песня, песенка девичья,
Ты лети за ясным солнцем вслед.
И бойцу на дальнем пограничье
От Катюши передай привет.

Пусть он вспомнит девушку простую,
Пусть услышит, как она поет,
Пусть он землю бережет родную,
А любовь Катюша сбережет.

Расцветали яблони и груши,
Поплыли туманы над рекой.
Выходила на берег Катюша,
На высокий берег на крутой.


Kachiusa (lời Việt của Nguyễn Anh Cường)

Đào vừa ra hoa, cành theo gió đưa vườn trăng tà
Ngoài dòng sông màn sương trắng buông lững lờ
Từ bến sông thoáng bóng ai in trên màn sương mờ
Cất cao lời ca làm rung cỏ cây ven bờ

Gửi về anh lời hát thiết tha từ tấm lòng
Từ bờ sông gửi đến cánh chim đại bàng
Lời hát trong vút bay đi ngân qua màn sương mờ
Biết không chàng ơi! Rằng xa xôi em mong chờ.

Ngày này năm qua chàng đi ra nơi miền biên thùy
Vì quê hương, dù mấy khó nguy không lùi
Người chiến sĩ mến thương có hay chăng tấm lòng
Chốn làng quê có ai ngày nhớ đêm mong

Đào vừa ra hoa, cành theo gió đưa vườn trăng tà
Ngoài dòng sông màn sương trắng buông lững lờ
Từ bến sông thoáng bóng ai in trên màn sương mờ
Cất cao lời ca làm rung cỏ cây ven bờ

Gửi về anh lời hát thiết tha từ tấm lòng
Từ bờ sông gửi đến cánh chim đại bàng
Lời hát trong vút bay đi ngân qua màn sương mờ
Biết không chàng ơi! Rằng
xa xôi em mong chờ.

Ngày này năm qua chàng đi ra nơi miền biên thùy
Vì quê hương, dù mấy khó nguy không lùi
Người chiến sĩ mến thương có hay chăng tấm lòng
Chốn làng quê có ai ngày nhớ đêm mong



Ngoài ra, chúng ta có thể chiêm ngưỡng bản dịch của Nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh sau:


Kachiusa

Vườn cây vào vụ nở hoa
Mù mưa theo gió đi xa chưa về
Bờ sông xanh cỏ sum suê
Kachiusa đến đứng nghe, một mình.

Dốc cánh đồng, chị bước nhanh
Bài ca chim trĩ lông xanh mượt mà
Bài ca chị yêu sâu xa
Của người trai viết thiết tha thư tình.

Bay, bay, bài ca của mình
Đuổi theo trời lặng, rập rình hoàng hôn.
Trao cho anh lính biên cương
Chiếc hôn cô gái yêu thương ngóng chờ.

Lắng nghe bài hát từng giờ
Mong anh nhớ lại dáng cô nhẹ nhàng
Diệt thù, chúc anh sẵn sàng
Yêu anh, cô chẳng từ nan đáp lời.


Kachiusa-tên một cô gái Nga, tên một bài hát nổi tiếng một thời, nhưng cũng là tên của một loại pháo phản lực của Hồng quân Xô viết, đã làm quân đội phát xít Đức kinh hoàng trên các mặt trận. Pháo phản lực Kachiusa còn được gọi là Dàn đồng ca đỏ của Hồng quân Liên xô trong Chiến tranh thế giới thứ hai (1941-1945)


Trên khắp chiến trường, đội quân phát xít Đức đã gặp những trận bão lửa từ giàn hỏa tiễn Kachiusa-đại bác phun lửa tự động nhiều nòng của Hồng quân. Những binh sĩ Đức còn sống sót sau lần đầu chịu đựng hỏa lực và tiếng gầm thét của “Kachiusa” hầu như không còn tinh thần để chiến đấu nữa, bởi vì hoặc là bị dập thương, hoặc là bị điếc hay chết lặng vì hoảng sợ.


Loại vũ khí mang tên cô gái Kachiusa này có thể tấn công tập trung vào đối phương với một hoả lực lớn trong một thời gian ngắn, một giàn phóng tuỳ loại (BM-8, BM-8-48, BM-13, BM-31…) có thể tương đương đại đội, tiểu đoàn pháo hoặc thậm chí cao hơn. Loại pháo phản lực này được lắp trên các xe ôtô thường là loại dã chiến, dẫn động nhiều bánh xe, hoặc trên xe bánh xích nên rất cơ động, bắn xong là có thể di chuyển vị trí được ngay. Trong cuộc chiến tranh vệ quốc của nhân dân Xô Viết , Hồng quân Liên Xô đã sử dụng loại vũ khí Kachiusa này với hiệu quả đặc biệt và rất bất ngờ. Bắt đầu từ năm 1943, để công phá những công sự phòng ngự kiên cố của quân Đức, trong pháo binh Hồng quân đã được trang bị thêm loại pháo phản lực Kachiusa BM-13 và BM-31. Các loại “Kachiusa” này đã trở thành lực lượng chủ lực trong các hoạt động bắn pháo chuẩn bị cho các cuộc tiến công, vì tạo nên một hoả lực rất lớn, tập trung và bất ngờ nên đã có một hiệu quả rất lớn, phá tan hoang hệ thống phòng ngự địch trong khoảnh khắc, đã làm cho binh lính địch phát điên chạy khỏi nơi ẩn nấp ngay trong trận pháo kích.


Sau khi góp phần giải phóng quê hương Xô Viết, các dàn tên lửa Kachiusa đã cùng các chiến sĩ Hồng quân tiến đến tận Berlin-sào huyệt của Hít le, tiêu diệt hoàn toàn chủ nghĩa phát xít, góp phần kết thúc chiến tranh thế giới thứ hai.


Sau chiến tranh, các kỹ sư Xô viết tiếp tục cải tiến Dàn đồng ca đỏ Kachiusa, hoàn thiện uy lực của nó. Tên lửa Kachiusa và nhiều thế hệ đàn em của nó đã tham gia vào nhiều cuộc chiến tranh giải phóng của các dân tộc bị áp bức ở nhiều nước, trong đó có chiến tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược ở Việt Nam.

Cho dù là bài hát hay một loại vũ khí, Kachiusa luôn được mọi thế hệ người Việt Nam yêu mến và ngưỡng mộ.


Nhưng tới bây giờ tôi vẫn không hiểu tại sao Kachuisa, tên một người con gái lại vừa là tên bài hát trữ tình và lại là tên của một loại vũ khí có tính hủy diệt mạnh.


Có lẽ các nhà khí tượng quốc tế cũng có lý khi thường đặt tên các cơn bão trong năm bằng tên các cô gái.

Trần Lộc Hùng

(Sưu tầm từ nuocnga.net và Google.com)