Sunday, February 14, 2010

Nên thi vào Mồng Một Tết

Năm 1973, kỳ thi học kỳ 1 của chúng tôi (lưu học sinh Việt Nam tại Liên xô) tổ chức vào tháng hai năm 1973, trùng với dịp Tết nguyên đán. Đêm giao thừa năm đó, sinh viên Khoa Toán của trường Đại học Tổng hợp Quốc gia Taskent (Liên Xô) tổ chức liên hoan văn nghệ rất vui để mừng ngày ký Hiệp định chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam (27/01/1973). Chúng tôi vô tư hát, nhảy và uống rượu, không hề nghĩ tới kỳ thi Lịch sử Đảng Cộng sản Liên Xô sẽ phải trả vào ngày hôm sau.

Mười giờ sáng hôm sau (là mồng một Tết Âm lịch), tôi tỉnh dậy với một cái đầu nặng như quả tạ, không thể hiểu tại sao mình lại ngủ dưới sàn nhà. Sau khi vào nhà tắm với sự giúp đỡ dòng nước lạnh tôi mới sực tỉnh là theo đúng lịch thi học kỳ I tôi cần phải đi trả thi môn Lịch sử Đảng Cộng sản Liên Xô. Nhìn quanh thấy Ký túc xá vắng tanh. Đoán chắc các bạn cùng phòng đẫ dậy và đi thi hết. Sau này tôi mới biết là các bạn cùng phòng đã rất cố gắng gọi tôi dậy đi thi nhưng tôi quá say nên không đã dậy nổi. Không kịp ăn uống gì, tôi lao tới trường và chạy khắp nơi tìm phòng thi. Rất may là ở Liên Xô thời đó sinh viên đại học đều tham dự kỳ thi vấn đáp, nên sinh viên có thể tới phòng thi bất kỳ giờ nào một ngày thi, từ sáng tới chiều. Tôi bước vào phòng thi với bộ dạng liều mạng của người còn chưa tỉnh rượu, bắt đại một phiếu thi và quay về chỗ để chuẩn bị trả lời. Tôi không nhớ mình đã phải chuẩn bị câu hỏi gì, nhưng chỉ nhớ mình đã rất tự tin (chắc mem rượu vẫn đang còn tác dụng) trả lời các câu hỏi thi. Việc khó khăn nhất của tôi lúc đó là làm sao mà hơi rượu không phả ra trong khi trả lời câu hỏi thi. Giáo sư hỏi thi môn Lịch sử Đảng Cộng sản Liên xô lần đó là Giáo sư KIM -người Nga gốc Triều tiên đã rất kiên nhẫn lắng nghe tôi lần lượt trả lời các câu hỏi theo phiếu thi. Khi tôi vừa chấm dứt trả lời, Giáo sư Kim có nói đại ý là hôm nay là ngày tết của người Việt Nam và cũng là tết của người Triều Tiên nên giáo sư chỉ yêu cầu tôi trả lời thêm một câu hỏi phụ để cho điểm GIỎI. Tôi giật mình khi biết câu hỏi phụ của giáo sư Kim đưa ra là ngày ký Hiệp định Pari chấm dứt chiến tranh Việt nam. Là một lưu học sinh Việt nam đi theo diện Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam, lẽ ra tôi phải nhớ chính xác ngày đã ký Hiệp định Paris, ngày mà Mỹ buộc phải ngừng cuộc chiến tranh xâm lược tại Miền nam Việt nam, nơi mà người thân của tôi, nhiều bạn bè cùng lứa tôi đang chiến đấu. Tôi tái mặt vì quả thật lời giải của câu hỏi đó không nằm trong cái đầu đang âm ỉ đau vì rượu của tôi. Tôi chỉ nhớ mang máng và quyết định trả lời đại một ngày nào đó trong tháng Giêng 1973. Giáo sư Kim gật đầu có vẻ hài lòng và ghi vào sổ thi của tôi điểm GIỎI. Tôi sung sướng bước ra khỏi phòng (chắc giống với vẻ mặt đắc thắng của Chí Phèo sau khi đòi được nợ) và quyết định chờ LQT- một bạn cùng lớp với tôi- vào trả thi. Khi LQT. ra khỏi phòng thi tôi thấy vẻ mặt băn khoăn của LQT. bèn hỏi "điểm thi không tốt lắm à?".

- Không, được điểm GIỎI.

LQT trả lời, nhưng với vẻ băn khoăn LQT nói tiếp "Ông giáo sư có hỏi mình về ngày ký Hiệp định Paris chấm dứt chiến tranh tại Việt nam vừa rồi, mình trả lời xong thì nhận được điểm GIỎI. Mình băn khoăn vì thấy ông giáo sư lầm bẩm "tại sao cậu sinh viên Việt Nam vừa ra trả lời một ngày mà cậu sinh viên Việt nam này lại trả lời một ngày khác nhỉ". Quả thật lúc đó tôi và T. đều không biết chính xác ngày nào là ngày ký Hiệp định Paris, và chắc chúng tôi được điểm GIỎI môn Lịch sử Đảng Cộng sản Liên Xô do đã đi thi đúng Mồng Một Tết Âm lịch. Sau này, cả tôi và LQT đều công tác trong các trường đại học lớn, và rất may các kỳ thi học kỳ của nước ta đều tránh ngày Tết chứ không thì chúng tôi đều cho sinh viên điểm giỏi hết.

Tết Con Cọp đã tới, tôi chúc các bạn sinh viên luôn khỏe - vui, và nếu cần phải đi thi môn nào đó thì nên chọn ngày Mồng một Tết.

No comments: